Thủ thuật đặt stent mạch vành: Quy trình, Chỉ định thực hiện.
Đặt stent mạch vành còn được gọi là thủ thuật can thiệp mạch vành. Quy trình thủ thuật này ít xâm lấn, gần như an toàn và mang lại kết quả cao trong điều trị bệnh mạch vành. Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Đặt stent mạch vành là gì?
1.1 Stent là gì? Công dụng của đặt stent mạch vành
Stent là một cuộn lưới nhỏ được làm từ kim loại, sử dụng để đưa vào vị trí đoạn mạch vành bị tắc nghẽn. Sau đó, bóng thu nhỏ trong stent được nong ra để mở rộng lòng mạch, từ đó tạo điều kiện cho dòng máu lưu thông một cách dễ dàng. Thủ thuật đặt stent mạch vành thường được sử dụng để điều trị các vấn đề liên quan đến mạch vành cũng như xử lý các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp.
1.2 Phân loại stent
Phương pháp phẫu thuật đặt stent mạch vành áp dụng một số loại stent sau:
● Stent kim loại thường (BMS)
Loại stent này còn được gọi là stent kim loại trần, không phủ thuốc bên ngoài. Chúng có nhược điểm là bị tăng khả năng hẹp lại sau khi được đặt. Tuy nhiên, điều này giúp bệnh nhân không cần phải sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu trong thời gian dài. Do đó, stent kim loại không phủ thuốc thường được xem là lựa chọn phù hợp cho những người có nguy cơ cao về chảy máu.
Tuy nhiên, vì tỷ lệ tái hẹp cao của loại stent kim loại này và sự phát triển của các loại stent mới có phủ thuốc, mà có thể sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu kép trong thời gian ngắn nên stent kim loại thường không được ưa chuộng sử dụng rộng rãi trong đặt stent mạch vành.
● Stent phủ thuốc (DES)
Đây là can thiệp mạch vành phổ biến nhất và được sử dụng rộng rãi trong các thủ thuật nong mạch vành đặt stent. Nhờ việc phủ một lớp thuốc ở bên ngoài, loại stent này đạt hiệu quả cao trong việc ngăn sự hình thành mô sẹo bên trong stent. Stent phủ thuốc (DES) có tác dụng giải phóng thuốc trực tiếp trong mạch máu, từ đó làm chậm sự phát triển quá mức của mô mạch máu vào trong stent, nhờ vậy giảm nguy cơ mạch máu bị hẹp trở lại.
● Stent tự tiêu (BRS)
Phương pháp nong mạch vành đặt stent BRS này có những ưu điểm đáng kể. Loại stent mạch vành này có một giá đỡ tạm thời và được phủ một lớp thuốc nhằm ngăn tái hẹp. Khi tình trạng tắc nghẽn mạch vành được cải thiện và máu lưu thông trở lại, stent sẽ dần tan trong cơ thể, trả lại trạng thái tự nhiên cho động mạch như chưa hề có sự can thiệp nào.
Ưu điểm khác của stent tự tan là giảm nguy cơ hình thành huyết khối muộn, từ đó giảm thời gian sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng thích hợp để sử dụng loại stent này. Do đó, việc áp dụng stent tự tan chưa được phổ biến như loại stent phủ thuốc.
1.3 Chỉ định đặt stent mạch trong trường hợp nào?
Phẫu thuật đặt stent mạch vành là một quyết định y tế được đưa ra dựa trên nhiều yếu tố, và nó thường được thực hiện trong các tình huống sau:
●Đau thắt ngực ổn định không đáp ứng với điều trị thuốc tối ưu: Khi người bệnh trải qua đau thắt ngực và thuốc không hiệu quả, việc đặt stent có thể cải thiện lưu lượng máu đến cơ tim bằng cách mở rộng động mạch vành bị hẹp.
● Đau thắt ngực ổn định với tình trạng thiếu máu cơ tim và tổn thương rõ ràng tại động mạch vành cấp máu cho vùng cơ tim quan trọng: Trong trường hợp người bệnh có các triệu chứng thiếu máu cơ tim và tổn thương đã được xác định, đặt stent có thể cần thiết để cải thiện cung cấp máu đến vùng cơ tim bị ảnh hưởng.
● Đau thắt ngực không ổn định/nhồi máu cơ tim cấp không có ST chênh lên nhưng có nguy cơ cao: Nếu nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp cao, đặt stent có thể được thực hiện để khắc phục vấn đề.
●Nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên: Trong trường hợp nhồi máu cơ tim cấp với ST chênh lên trên điện tâm đồ, đặt stent là một biện pháp khẩn cấp để mở rộng động mạch và cải thiện lưu lượng máu đến cơ tim.
● Đau thắt ngực sau phẫu thuật làm cầu nối chủ vành: Nếu đau thắt ngực xuất hiện sau phẫu thuật làm cầu nối chủ vành (CABG), đặt stent có thể giúp mở rộng hoặc bảo vệ lại động mạch vành.
● Sau can thiệp động mạch vành qua da có triệu chứng tái hẹp trong stent: Nếu sau can thiệp đã thực hiện, stent bị tái hẹp hoặc có triệu chứng về vấn đề, đặt stent mới có thể cần thiết để duy trì thông thoáng của động mạch vành.
Các trường hợp chống chỉ định đặt stent mạch vành thường liên quan đến các yếu tố như tình trạng tổn thương không phù hợp cho can thiệp, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân không phù hợp hoặc tái hẹp động mạch vành ở nhiều vị trí sau can thiệp. Quyết định phẫu thuật đặt stent mạch vành luôn được đưa ra dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân và sự tư vấn của bác sĩ.
2. Quy trình đặt stent diễn ra như thế nào?
Can thiệp mạch vành qua da được tiến hành gồm các bước sau:
● Bệnh nhân được bác sĩ giải thích về thủ thuật, biến chứng có thể gặp và được ký cam kết thực hiện thủ thuật.
● Trước khi tiến hành thủ thuật, bệnh nhân sẽ được uống thuốc chống kết tập tiểu cầu (như aspirin, clopidogrel). Bác sĩ sẽ kiểm tra lại các tình trạng bệnh kèm theo, tiền sử bệnh lý như tiền sử xuất huyết tiêu hóa, chức năng thận, các rối loạn đông máu, dị ứng với các loại thuốc cản quang..., và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết bao gồm chụp X-quang ngực, điện tâm đồ và xét nghiệm máu.
Bệnh nhân sẽ được thông báo cần ngừng ăn hoặc uống trong 6 giờ trước khi thực hiện chụp động mạch. Can thiệp mạch vành sẽ được tiến hành thông qua một động mạch ở vùng đùi, cánh tay hoặc cổ tay. Bệnh nhân sẽ được gây tê tại vị trí tiến hành thủ thuật và để giúp bệnh nhân đỡ căng thẳng, bác sĩ có thể cho dùng thuốc an thần. Bên cạnh đó, bệnh nhân vẫn giữ tinh thần tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện.
● Trước hết, bác sĩ sẽ thực hiện đặt 1 đường vào từ động mạch quay hoặc động mạch đùi để đưa dụng cụ lên động mạch vành. Sau đó, một ống thông tim sẽ được đưa vào lỗ động động mạch vành trái hoặc phải. Bác sĩ tiếp theo sẽ tiến hành bơm thuốc cản quang qua ống thông tim vào mạch vành để hiển thị vị trí mạch máu bị tắc nghẽn chính xác trên màn hình phản quang (tia X).
● Sau khi phát hiện vị trí tổn thương hẹp mạch vành, bác sĩ sẽ dùng 1 dây dẫn siêu nhỏ ( khoảng 0,014”) thông qua ống thông tim vượt qua phần hẹp của mạch vành đến vị trí xa hơn. Tiếp theo, có thể tiến hành nong bóng tạo thuận cho stent đưa đến vị trí hẹp và bơm stent nở phủ toàn bộ lòng mạch máu. Thuốc cản quang lại tiếp tục được bơm vào trong động mạch vành để chắc chắn rằng dòng máu đang lưu thông ổn định. Khi thủ thuật kết thúc, bác sĩ sẽ rút toàn bộ dụng cụ và giữ lại stent đã nong lên tại chỗ hẹp mạch vành giúp tái thông mạch vành. Có hai loạistent: Stent thường và stent phủ thuốc. Stent phủ thuốc giúp ngăn ngừa sự phát triển của lớp nội mạc, giảm tỷ lệ tái hẹp sau can thiệp động mạch vành một cách đáng kể.
● Quá trình tiến hành thủ thuật sẽ được theo dõi trong suốt bằng cách đo nhịp tim, mạch, huyết áp và mức oxy của bệnh nhân. Thời gian tiến hành thủ thuật thường kéo dài từ 45 đến 120 phút, phụ thuộc vào tình hình cụ thể của từng trường hợp.
3. Đặt stent mạch vành có nguy hiểm không?
Đặt stent mạch vành hiện nay là một quy trình can thiệp tim mạch phổ biến và không nguy hiểm như nhiều bệnh nhân lo nghĩ. Quá trình tiến hành thủ thuật này thường chỉ mất khoảng 1 tiếng và bệnh nhân có thể được xuất viện sau 1 - 2 ngày, và sau đó sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, những rủi ro có thể xảy đến sau khi bạn xuất viên và tự chăm sóc tại nhà. Bởi vì đặt stent mạch vành không đồng nghĩa với việc chữa khỏi bệnh mà bạn cần điều trị lâu dài và nâng cao ý thức cá nhân để ngăn ngừa nguy cơ biến chứng.
4. Các biến chứng có thể gặp sau khi đặt stent mạch vành là gì?
Mặc dù việc đặt stent mạch vành ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật bắc cầu, nhưng phương pháp này vẫn mang theo một số rủi ro cần xem xét:
4.1 Tái hẹp trong stent
Khi can thiệp mạch vành với stent phủ thuốc, có một tỷ lệ rủi ro nhỏ động mạch vành được điều trị có thể bị tắc lại (dưới 5%). Nguy cơ tái hẹp trong stent là khoảng 10% đến 20% khi sử dụng stent thường.
4.2 Tắc trong stent do cục máu đông
Sau thủ thuật, vẫn có thể xuất hiện các cục máu đông trong stent. Những cục máu đông này có thể đóng động mạch, gây nhồi máu cơ tim. Đó là lý do mà bạn cần sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu sau can thiệp theo chỉ dẫn của bác sĩ.
4.3 Chảy máu
Thông thường, sau khi đặt stent mạch vành, bệnh nhân chỉ bị một vết bầm tím ở vùng đùi hoặc cánh tay nơi đặt ống; tuy nhiên, sẽ có trường hợp bị chảy máu nghiêm trọng xảy ra và có thể phải truyền máu hoặc phải thực hiện các phẫu thuật cầm máu.
Ngoài ra, những rủi ro hiếm gặp khác của nong mạch vành bao gồm:
● Bóc tách động mạch chủ
● Bóc tách động mạch vành: Động mạch vành có thể bị rách hoặc vỡ trong quá trình thực hiện thủ thuật. Nếu xảy ra biến chứng này, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật bắc cầu khẩn cấp.
● Tác dụng phụ do thuốc cản quang: Việc sử dụng thuốc cản quang trong quá trình can thiệp mạch và đặt stent có thể gây tổn thương cho thận, đặc biệt đối với những người đã có vấn đề về thận. Trong trường hợp bạn có nguy cơ cao, bác sĩ có thể thực hiện các biện pháp để cố gắng bảo vệ thận của bạn, chẳng hạn như hạn chế lượng thuốc cản quang và đảm bảo rằng bạn được cung cấp đủ nước trong suốt quá trình điều trị.
● Đột quỵ: Đây là một biến chứng cực kỳ hiếm gặp của nong mạch vành
● Rối loạn nhịp tim: Trong quá trình thực hiện thủ thuật, tim có thể đập nhanh hoặc chậm hơn thường lệ, dẫn đến rối loạn nhịp tim. Những vấn đề về nhịp tim này thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, tuy nhiên đôi khi có thể cần sử dụng thuốc hoặc máy tạo nhịp tạm thời để điều chỉnh.
Tóm lại, can thiệp mạch vành thành công sẽ giúp giảm bớt triệu chứng đồng thời cải thiện tiên lượng tuy nhiên nó cũng có những nguy cơ nhất định. Vì vậy, bạn cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh.
5. Chăm sóc sau khi can thiệp đặt stent mạch vành
Nếu quá trình thực hiện thủ thuật đặt stent mạch vành thành công tốt đẹp, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm nghỉ ngơi tại giường bệnh để bác sĩ theo dõi cũng như điều chỉnh thuốc. Thông thường, bệnh nhân có thể trở lại công việc hoặc hoạt động thường ngày sau 1 tuần từ khi đặt stent mạch vành. Khi về nhà, bệnh nhân nên uống nhiều nước hơn để tránh tụt huyết áp và vấn đề liên quan đến thận do tác dụng của thuốc cản quang. Nên tránh hoạt động thể dục mạnh và việc nâng vật nặng trong ít nhất một ngày sau đó. Hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau đây khi thực hiện thủ thuật:
● Sưng hoặc chảy máu vùng đâm kim và đặt dụng cụ đường vào mạch máu.
● Nhiễm trùng như: đỏ tấy, sưng, tiết dịch hoặc hành sốt
● Có sự thay đổi về nhiệt độ hoặc màu sắc của chân hoặc cánh tay bên thực hiện thủ thuật
● Bạn bị đau ngực hoặc khó thở
Hầu hết những người đã trải qua thủ thuật can thiệp mạch vành cần sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu kép ít nhất trong vòng 1 năm. Sau 1 năm, một số bệnh nhân sẽ được bác sĩ xem xét lại và quyết định liệu pháp tiếp theo, có thể là tiếp tục sử dụng liệu pháp kép này hoặc chuyển sang sử dụng chỉ Aspirin hoặc Clopidogrel. Việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và không nên tự ý thay đổi hoặc ngừng thuốc.
Thủ thuật đặt stent mạch vành đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh mạch vành và cấp cứu các trường hợp nhồi máu cơ tim. Quan trọng hơn hết, không chỉ bệnh nhân đã được đặt stent mà cả những người chưa từng trải qua thủ thuật này cũng cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe, thay đổi lối sống hướng tới một cuộc sống lành mạnh nhằm giảm thiểu nguy cơ tắc nghẽn mạch vành và ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch.
( Theo https://www.vinmec.com)
Tin hoạt động
Thống kê truy cập
Đang truy cập:27998
Số lượt truy cập: 30870157