Hướng dẫn xử trí sốt cao co giật ở trẻ em dưới 6 tuổi
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Thị Cẩm Vân - Bác sĩ Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác đã có kinh nghiệm 07 năm làm Bác sĩ nội trú và Bác sĩ điều trị Nhi - Sơ sinh chuyên về điều trị các bệnh lý Nhi khoa về Hô hấp, Tiêu hóa, bệnh lý truyền nhiễm, nuôi dưỡng, các vấn đề thường gặp trẻ sơ sinh.
Sốt là phản ứng tự vệ bình thường của cơ thể trước sự xâm nhập của các mầm bệnh, vi rút từ bên ngoài . Nhưng nếu sốt từ 38.9 độ C trở lên thì hệ thần kinh rất dễ bị kích thích và xuất hiện các cơn co giật ở trẻ. Bài viết này sẽ cung cấp thêm các thông tin để xử trí khi trẻ bị co giật do sốt cao.
1. Những điều cần biết về sốt ở trẻ
Sốt là phản ứng của cơ thể khi không may bị nhiễm virus, vi khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh tự miễn hoặc các bệnh lý ác tính... Nếu sốt không không gây khó chịu thì trẻ sẽ hết sốt tự nhiên và phần lớn các bệnh nhiễm trùng tình trạng sốt sẽ hết nhanh chóng.
Khi nhiệt độ cơ thể trẻ trên 37,5 độ C được xác định là sốt. Nhiệt độ từ 37,5 độ C đến 38 độ C được cho là sốt nhẹ, từ 38 độ C đến 39 độ C là sốt vừa, từ 39 độ C đến 40 độ C là sốt cao, trên 40 độ C là sốt rất cao.
Cha mẹ không nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ vẫn dưới 38,5 độ. Khi trẻ sốt nhẹ ở mức 37,5-38,5 độ C chỉ cần cởi bớt quần áo, cho bé uống nhiều nước hoặc bú mẹ nhiều hơn.
Sốt cao co giật là tình huống thường gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 6 tuổi do não bộ của trẻ chưa phát triển toàn diện nên có những phản ứng nhạy cảm với các rối loạn của nhiệt độ cơ thể. Sốt co giật ở trẻ thường lành tính không gây bất cứ tổn hại nào cho não của trẻ và thường biến mất sau vài chục giây. Co giật do sốt cao thông thường không gây hại não.
2. Dấu hiệu của trẻ bị co giật do sốt cao
- Chân tay trẻ cứng lại, sau đó co giật, hai mắt trợn ngược;
- Ngừng thở trong vài giây, nôn, tiểu tiện và đại tiện không tự chủ;
- Sau cơn co giật trẻ thường rất buồn ngủ;
- Trẻ có sự nhầm lẫn, mơ màng sau khi co giật nhưng sẽ phục hồi lại trạng thái bình thường trong vòng 1 tiếng.
3. Cách xử trí sốt cao co giật ở trẻ em
Nhiều phụ huynh luống cuống, bối rối không biết phải xử trí sốt cao cao giật ở trẻ em như thế nào là đúng nên trong nhiều tình huống vô tình gây tổn thương cho trẻ. Dưới đây là một số hướng dẫn cha mẹ nên tham khảo:
Bước 1: Thông đường thở cho trẻ
Khi thấy trẻ bị co giật do sốt cao, phụ huynh cần hết sức bình tĩnh, đặt trẻ nằm nghiêng, không gập đầu để trẻ có thể thở tốt. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý tuyệt đối không giữ chặt trẻ, không đưa bất kỳ vật gì kể cả chất lỏng vào miệng trẻ, tính thời gian co giật của trẻ và ghi nhớ các biểu hiện co giật của trẻ.
Bước 2: Dùng thuốc hạ sốt bằng cách nhét vào hậu môn của trẻ
Dùng thuốc Paracetamol liều 10mg/kg/lần để hạ sốt cho trẻ. Đối với trẻ 6 tháng đến 1 tuổi dùng liều lượng 1 viên 80mg; trẻ từ 1-5 tuổi dùng 1 viên hàm lượng 150mg.
Bước 3: Làm mát cơ thể trẻ để hạ sốt
- Dùng khăn đã nhúng nước ấm để đặt ở nách, bẹn và sau mang tai của trẻ.
- Thay khăn ấm mới sau mỗi 2-3 phút và ngừng khi nhiệt độ nách của bé dưới 30 độ C.
- Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
4. Cách phòng tránh cơn co giật khi trẻ bị sốt
Sốt co giật ở trẻ em rất dễ tái phát. Tuy nhiên, nếu biết cách xử lý ngay khi trẻ bị sốt thì sẽ phòng tránh được các cơn co giật xảy ra ở trẻ. Dưới đây là một số cách phòng tránh cơn co giật khi trẻ bị sốt.
- Đưa trẻ đi khám ngay khi trẻ bị sốt để biết nguyên nhân và cách phòng tránh các cơn co giật;
- Cần cho trẻ uống nhiều nước hoặc các chất điện giải bù nước khi bị sốt;
- Cho trẻ mặc quần áo nhẹ, thoáng, không ủ ấm trẻ;
- Thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ bằng nhiệt kế;
- Lau người cho trẻ bằng nước ấm để hạ sốt khi thân nhiệt của trẻ trên 39 độ C;
- Khi trẻ bị co giật do sốt cao thì cha mẹ phải hết sức bình tĩnh để chăm sóc trẻ đúng cách và sau khi hết cơn co giật phải đưa trẻ đến trung tâm y tế để khám và điều trị sớm.
Sốt có thể là những dấu hiệu của các căn bệnh nguy hiểm. Bởi vậy, khi bé bị sốt cao kéo dài bạn nên đưa bé đến trung tâm y tế để được các bác sĩ khám và chẩn đoán sớm.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
( Theo https://www.vinmec.com)
User Online:11129
Total visited: 30564264